Giỏ hàng

Nợ xấu các ngân hàng biến động lớn

Tất cả các ngân hàng đã công bố BCTC Quý 2 (6/8 ngân hàng) đều ghi nhận nợ xấu tăng trưởng ở mức hai chữ số so với đầu năm. Tỷ trọng các khoản nợ không thể thu hồi rất lớn.

Kienlongbank là trường hợp đặc biệt khi biến động nợ xấu tăng 5,5 lần, lên 2.249 tỷ đồng, tập trung tại nợ có khả năng mất vốn hơn 2.145 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%. Theo giải trình của ngân hàng, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB - Sacombank (HoSE: STB) được phân loại theo quyết định của NHNN. Từ đầu năm, Kienlongbank liên tục hạ giá rao bán số cổ phiếu này nhưng chưa thành công. 

VIB báo nợ xấu tăng 29% trong 6 tháng, ở mức 3.267 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 13% lên 1.979 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,96% lên 2,3%. 

Theo sau, LienVietPostBank có nợ xấu tăng 24% lên 2.506 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 22%, quanh 1.738 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 21 điểm cơ bản lên 1,65%. 

Một số ngân hàng như BacABank, Sacombank và Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 11-19%, đồng thời đẩy mạnh trích lập dự phòng.

Vietcombank, ngân hàng đầu tiên trong nhóm “Big4” công bố báo cáo tài chính quý II với nợ xấu tăng 11%, lên 6.432 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng nâng từ 0,79% lên 0,83%. Nợ cần chú ý trong nửa đầu năm tăng 2 lần lên 7.724 tỷ đồng. Ngân hàng tăng dự phòng rủi ro cho vay từ 10.416 tỷ đồng lên 16.371 tỷ đồng, tương đương cao hơn 57% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng cụ thể tăng 5.600 tỷ đồng lên 10.742 tỷ đồng. Đây là ngân hàng tăng dự phòng cao nhất trong ngành đến nay.

Diễn biến nợ xấu một số ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng

Nợ xấu Sacombank tăng 17% lên 6,682 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1,8 lần lên 850 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 5% so với đầu năm, ở mức 5.288 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,93% lên 2,15%. Bên cạnh đó, nợ cần chú ý cũng tăng 62% lên 1.345 tỷ đồng. Sacombank nâng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm với 1.565 tỷ đồng, cao hơn 49% so với cùng kỳ 2019, đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm 2%. 

BacABank nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống (bên cạnh Vietcombank và ACB), cũng báo nợ xấu tăng 19% trong 6 tháng qua, quanh 598 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ. Đầu năm, tỷ lệ này là 0,68%. Chi phí trích lập tăng 45% lên 165,8 tỷ đồng, khiến lợi nhuận nửa năm của ngân hàng giảm 19% .

VPBank và SeABank là 2 ngân hàng ghi giảm nợ xấu tới thời điểm hiện nay. Trong đó, Nợ xấu của VPBank giảm 2% xuống 8.612 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 3,42% xuống 3,18%. Trong khi đó, SeABank báo giảm 4% nợ xấu, xuống 2.190 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng hạ từ 2,3% còn 2,23%.

 

----------------------

Khánh Linh – Chuyên viên tư vấn đầu tư công ty chứng khoán VPS.

Liên hệ tác giả để hỗ trợ đầu tư / mở tài khoản qua Zalo: 0971.764.531

Link room tư vấn: https://zalo.me/g/bnyzmi725

Facebook Zalo Hotline Top