Giỏ hàng

30 TỶ USD CÓ SẴN CHỈ CHỜ GIẢI NGÂN

Ước tính nếu giải ngân hết số vốn đầu tư công 700.000 tỷ (30 tỷ USD) trong năm nay sẽ giúp phục hồi kinh tế, nhưng nhiều địa phương và bộ ngành vẫn loay hoay tìm cách tiêu hết.

1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) là số vốn Quốc hội giao UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành, trong đó số tiền phải giải ngân hết trong năm nay là 17.000 tỷ. Đây được coi là địa phương có trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công nhiều nhất cả nước.

Thử thách của Đồng Nai không chỉ là giải ngân hết, mà còn phải nhanh để đảm bảo tiến độ khởi công sân bay Long Thành vào đầu 2021. Các công việc cần thực hiện là giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, để bàn giao “đất sạch” cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của Đồng Nai đang khiến người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải sốt ruột. Trong báo cáo tỉnh này gửi Quốc hội, lũy kế tính đến hết tháng 5, số tiền giải ngân được chỉ là 1.242 tỷ, trên tổng số 17.000 tỷ đồng (7,3%).

Đồng Nai chỉ là một trong rất nhiều địa phương đang loay hoay trong việc giải ngân đầu tư công, không chỉ năm nay mà nhiều năm trước. Ước tính tổng số tiền đang chờ giải ngân khắp cả nước vào khoảng 700.000 tỷ đồng (30 tỷ USD).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, kéo giảm đà tăng trưởng thì đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng, như một “gói kích thích”, “quả đấm thép” trúng nhiều mục tiêu. Do đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đồng nghĩa thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm trong năm nay, thậm chí là chống được suy thoái kinh tế.

Trong bộ môn kinh tế học vĩ mô, phương trình Y (tổng cầu) = C (tiêu dùng cá nhân) + I (đầu tư tư nhân) + G (đầu tư công) + X (xuất khẩu) - M (nhập khẩu) được coi là cơ bản nhất, mà bất cứ nhà điều hành nào cũng nắm. Nhìn vào phương trình có thể thấy vai trò của từng yếu tố trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Muốn tăng trưởng kinh tế, nghĩa là làm tăng tổng cầu, thì Chính phủ phải tìm cách tăng các hàm số C, I, G hay X-M. Trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ không có nhiều hàm số tiềm năng để tạo ra tăng trưởng.

Dịch bệnh khiến người dân giảm thu nhập, thắt chặt chi tiêu khiến tiêu dùng cá nhân giảm. Đầu tư tư nhân gặp khó khăn, đang từng bước phục hồi nhưng còn chậm. Xuất nhập khẩu hàng hóa cũng gặp khó do các nước vẫn đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh này, đầu tư công là hàm số quan trọng trong phương trình trên, giống như một động lực tạo ra tăng trưởng GDP. Hơn hết, Chính phủ “nắm trong tay” số vốn đầu tư công, có thể tự quyết định làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng GDP.

Khi vốn đầu tư công được giải ngân, sẽ tạo ra nhiều lợi ích lan tỏa cho nền kinh tế. Tiền được đầu tư sẽ giúp kích cầu và tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. Ví dụ, Chính phủ đầu tư xây dựng một trường học, sẽ tạo ra nhu cầu về vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, trang thiết bị dạy học, điện, nước… Đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, kỹ sư…

Gián tiếp, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, nội thất, thiết bị dạy học… sẽ có đầu ra sản phẩm để tiếp tục sản xuất. Các kỹ sư, công nhân… sẽ có thu nhập để mua các sản phẩm dịch vụ tiêu dùng cá nhân… Từ đó tạo lan tỏa tới các ngành khác trong toàn nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

“Tiền đã có sẵn, chỉ cần giải ngân” là chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với Zing. Ông nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công giống như một “quả đấm thép” trúng nhiều mục tiêu cùng lúc. Tiền sẽ giúp kích thích cả chiều cầu và cung mà không làm ảnh hưởng bội chi, không làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, người đứng đầu ngành KHĐT nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải là ưu tiên số 1 lúc này để phục hồi kinh tế sau dịch.

Tác giả: Yến Nhi - Chuyên viên phân tích VPS & FinPro

Hotline/Zalo: 094.333.5741

Bạn đọc có nhu cầu mở tài khoản Chứng khoán Liên hệ tác giả

Facebook Zalo Hotline Top